Bút máy với Thú chơi tao nhã và đẳng cấp

Hồi bé đọc Les Misérables của Victor Hugo, tôi nhớ mãi ở chi tiết Cosette dùng giấy thấm mực bức thư viết cho Marius. Rồi nàng đặt xấp giấy thấm này trước gương. Vì vậy ông bố nuôi Jean Valjean đọc được hết nội dung thư.

Tất nhiên tôi bâng khuâng không phải vì tình tiết đọc trộm thư. Dù là ở một tình huống lãng mạn như thế. Mà vì nó khiến tôi liên tưởng đến cây bút lông ngỗng chấm mực mà nàng Cosette đã dùng. Thì tất nhiên, bút lông ngỗng. Tác giả cũng dùng bút lông ngỗng viết bản thảo và viết cả thư tình đấy thôi. Lúc tôi còn bé chưa có máy tính, còn so bút với máy đánh chữ lọc xọc thì tôi yêu bút hơn. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn yêu bút hơn máy tính.

Viết bút máy là một thú chơi đậm chất Thiền – Bùi Quốc Bảo. Ảnh: Phạm Hoài Nam

Nội dung chính

Hiểu về bút máy

Năm 953, nhà thư pháp học Ai Cập Al-Muizz Li Deen Illah phát minh bút máy.

Ông Lewis Waterman có công đầu trong việc sản xuất hàng loạt thứ dụng cụ viết xảo diệu này, phổ biến nó trên toàn thế giới.

Chắc người Việt chúng ta không có cơ hội tiếp xúc với bút lông ngỗng. Thời Pháp đô hộ, họ đã ở kỷ nguyên bút máy. Và văn minh Tây phương khi xâm thực nước ta đã gieo vào đầu chúng ta một ám tượng chung, là kỹ nghệ, là máy móc tối tân. Cây bút chứa mực sẵn mà được đặt tên bút MÁY, thế cũng đủ biết. Bút MÁY. Máy ở chỗ nào? À, không cần chấm mực, mà mực vẫn tưới đều lên ngòi, mà lại chỉ chảy khi viết, không chảy tràn lan. Tinh xảo tuyệt vời, thì phong cho nó cái danh “máy”.

Mà kể ra cũng đáng, phát minh gắn bầu mực vào đuôi bút là một bước nhảy đáng kể trong lịch sử công nghệ. Nó dựa trên hiện tượng mao dẫn: khi chất lỏng được áp suất không khí đẩy trong những ống nhỏ, nó có thể thắng được trọng lực, không rơi xuống mà bị hút lên.

Bút máy sang xứ ta

…thoạt đầu là công cụ viết của những người có tiền, hoặc có dính dáng ít nhiều đến Pháp. Làm công chức tư chức hay có địa vị trong chính quyền chẳng hạn. Người thường vẫn chỉ dùng bút chấm mực, các cụ đồ nho cuối cùng thì dùng bút lông Tàu.

Bút máy vào xứ ta, ngay từ đầu đã được xem như xa xỉ phẩm. Cái sự được-xem-như thuở ban sơ này quy định toàn bộ quá trình “đối xử” với cây bút tiếp sau, đến tận ngày hôm nay.

Tức là hôm nay, bút máy vẫn là xa xỉ phẩm.

Bút máy – thú chơi đẳng cấp

Chơi bút máy không chỉ đơn thuần là thú chơi khẳng định đẳng cấp; nó mang một ý nghĩa lớn hơn nhiều: về gần lại cội nguồn của sự viết. Gần với lịch sử. Gần với cuộc đời các nhà văn.

Nhà văn Amitav Ghosh bao giờ cũng viết tay, rồi mới gõ lại trên máy tính. Ông cho biết chỉ viết được trên giấy có dòng kẻ của Pháp, bút máy mực đen hiệu Pelikan của Đức. Hemingway hồi trẻ viết bút chì (vỏ gỗ, thời ấy chưa có loại bút chì bấm), sau cũng chuyển sang bút máy. Faulkner viết văn bằng bút máy rồi mới gõ máy chữ.

Văn hào Mark Twain gắn rất chặt với dòng Conklin Crescent, và đấy chính là điều “ghi điểm” cho hiệu Conklin. Thử xem các danh nhân khác dùng bút máy gì…

  • Tổng thống Eisenhower: bút máy Parker 51
  • Nhà văn Joseph Conrad: dòng Parker Duofold Senior (black)
  • Sir. A. Conan-Doyle: bút máy Parker Duofold ‘Big Red’
  • Walt Disney: Sheaffer’s Balance
  • Paulo Coelho: Montegrappa
  • Einstein dùng Pelikan vào những năm 30. Công trình về thuyết tương đối thì được viết bằng bút Waterman

Thủ bút của bác học Albert Einstein. Ảnh: CBS

  • Hemingway trong Đệ nhất thế chiến làm tài xế tải thương ngoài mặt trận Ý, lúc nào cũng dắt bút máy ở túi áo. Bút hiệu Elmo, một hiệu nhỏ chẳng ai nhớ; song hậu thân Elmo lại chính là ông khổng lồ Montegrappa!
  • Winston Churchill: dùng Conway Stewart
  • André Malraux: Parker Vacumatic
  • Colette: Mandarin Yellow Parker Duofold
  • Paul Valéry: bút máy hiệu Swan
  • Friedrich Nietzsche: Soennecken

Người Việt ngày nay có xu hướng quay lại bút máy

Sau một thời gian khá dài say đắm với những loại bút tiện dụng hơn như bút bi, bút kim. Bút máy với mực xanh (mực đen không dùng ký hợp đồng được) cài trên túi áo đang trở thành hình ảnh thành đạt.

Trong số bạn bè tôi, họa sĩ Lê Thiết Cương là dân chơi bút máy. Thế nào cũng có những cây bút lạ, quý, trong cái messenger bag Cương hay đeo chéo qua vai. Chơi bút là phải chơi có căn cơ. Hiệu gì, đắt thế nào, không phải là tiêu chuẩn căn bản. Vấn đề cần quan tâm là nét viết có đẹp không. Như thế, cái ngòi bút mới là quan trọng nhất.

Ngòi bút máy: linh hồn của cây bút

Ngòi bút thường được chế tác công phu bằng các hợp kim có chứa vàng, platinum, rhodium, iridium. Muốn viết được nét thanh nét đậm, đừng dùng ngòi có giọt hình tròn phía dưới mà phải chọn loại đầu tày. Muốn trang thư tình bạn viết trông bay bướm hào hoa như thư tình Victor Hugo, thì phải chú ý đến ngòi bút. Khi thử, hãy vẽ những hình số 8 to nhỏ khác nhau để biết bút có đáp ứng được độ chảy mực hoàn hảo ở mọi góc độ ngòi hay không. Dĩ nhiên, cũng phải kén loại mực thích hợp.

Mực Parker Quink trông có vẻ lễnh loãng. Mực Waterman cũng vậy. Đa số dân chơi bút dùng mực Pelikan – nó có loại mực đen (dù không hợp lắm cho nhu cầu… ký hợp đồng) rất đen, siêu đen, thẫm đặc như mực Tàu, viết rất thích.

Những chiếc bút máy trong ký ức của tôi

Chiếc bút máy đầu đời của tôi vào năm học lớp Sáu là thừa hưởng của mẹ. Đó là một cây Pilot nắp vàng mẹ tôi từng dùng khi học Sư phạm. Nắp bút đã hơi lỏng do ngàm bị mòn, dễ rơi. Hồi đó, có mốt cài bút vào khe khuy áo chứ không cài lên nắp túi. Giờ chơi, chạy nhảy nô đùa thỉnh thoảng cũng phải đưa tay sờ ngực xem có còn nguyên bút hay chỉ còn mỗi nắp.

Bút máy Pilot 57, niềm mơ ước của cả một thế hệ người Việt mê bút ngày xưa.

Bút Pilot của Nhật, một cái hãng có tên phiên âm rất buồn cười là Kobushiki Kaisha Pairotto Koporeshon (người Nhật lẫn lộn l với r nên đọc Pilot thành Pairotto). Thế hệ cũ ở Việt Nam đọc theo kiểu Pháp, bút pi-lốt. Nét đẹp lắm, có điều thời tôi đi học thì vở toàn bằng giấy tái chế nhòe nhoẹt và đầy xơ, thành thử bút nào cũng chỉ viết ít ngày là mòn hết ngòi.

Cũng vào thời đi học, tôi dùng hai cây bút nữa: Hồng Hà và Hero. Hồng Hà thì nội địa chính cống, nhái mẫu Hero của Thượng Hải. Bút Hero (Anh Hùng) dùng tốt, bền, nét không đẹp lắm vì không ra được thanh đậm, cũng hơi khó rút ngòi ra khỏi quản để vệ sinh bút. Nhưng Hero nắp vàng thời ấy đã là cả một niềm tự hào. Tự hào chưa được bao lâu thì đã nhảy sang bút bi hiệu Bic có cái logo anh chàng đầu tròn vo.

Quãng 1995, tôi dùng Parker, nhân lúc Saigon có đại lý chính thức của Parker/Waterman. Nhưng như đã nói, mực Waterman rất loãng, tôi viết bản thảo nhạc xong, photocopy rất mờ. Đành chuyển qua dùng bút kim, bút lông, bút calligraphy (Lê Quang cũng thích dùng bút calligraphy ngòi to để viết nhạc). Mãi sau này tôi mới dùng lại bút máy.

Để dùng được bút máy, bạn phải… tập viết

Thật vậy, viết bút bi lâu ngày khiến bạn có thói quen lướt trên mặt giấy chứ không nhấn đè từng nét thanh đậm. Như vậy viết bút máy rất xấu, chữ to bè, run rẩy. Phải tập lại. Phải làm quen trở lại với việc đặt ngòi nghiêng 45º trên giấy, tập lại từng nét nhấn, nét đá, nét móc. Công phu đấy. Nhưng xét cho cùng, có thú chơi nào khỏi công phu?

Chơi bút là phải tận hưởng cả công năng của bút, tức là viết hết các cây bút mình có, mỗi cây một kiểu viết, mỗi cây một loại giấy phù hợp, mỗi cây một dịp viết. Đã đến như thế thì không phải cứ có tiền là được. Phải có kiến thức căn bản về bút (“giải phẫu học” và lịch sử từng hiệu bút), về mực, về mỹ tự pháp (calligraphy).

Nói về calligraphy

Theo từ nguyên Hy Lạp, “callos” nghĩa là vẻ đẹp, còn “grapho” là viết. Calligraphy là nghệ thuật viết chữ bằng tay sao cho đẹp đẽ, trang nhã.

Chữ viết tay cổ điển của người Pháp nghiêng về bên phải, ngòi bút lông ngỗng được chuốt rồi cắt cho bằng đầu, bề rộng đầu ngòi quãng hơn một ly, khi ấn xuống thành nét đậm, hất lên ra nét thanh. Muốn viết các kiểu chữ ronde, chữ gothique như người Đức thì dùng ngòi có bản rộng hơn, ta thường gọi là ngòi ronde. Kỹ năng viết nét thanh nét đậm này, thế hệ chúng tôi được học và rèn luyện rất kỹ từ khi mới biết mặt chữ. Trải qua bao nhiêu năm, nét chữ thay đổi, nhưng kỹ năng vẫn còn. Và bây giờ, nó trở thành một cái thú.

Lịch sử của những khuôn chữ đẹp

Gương mặt lớn của Pháp mà tôi hằng ngưỡng mộ, là nhà thư pháp học kiêm thiết kế kiểu chữ George Auriol. Ông sống vào đầu thế kỷ 20, nổi tiếng với những bản viết tay bay bướm, hào hoa và rất mực công phu.

Font chữ Peignot được làm theo mẫu chữ viết tay bằng bút máy.

Sau Đệ nhị thế chiến, hai xưởng đúc chữ Deberny & Peignot ở Paris và Fonderie Olive ở Marseille đã thuê những người như George Auriol viết chữ mẫu để đúc khuôn, dùng cho việc in sách. Có những nơi chuyên dạy viết chữ đẹp, như trường Estienne. Có những fonts chữ mang tên người tạo ra nó, như Grasset, Naudin, Garamond, Peignot, Frutiger. Năm 1937, Charles Peignot làm cả một phim về nghệ thuật viết chữ, phim La Lettre.

Viết tay là một thú chơi đậm chất Thiền

Thường, để trở thành một nhà viết chữ chuyên nghiệp, bạn phải cần mẫn luyện tập sáu năm. Có một tinh thần rất Thiền ở đó, như một nhà viết chữ người Đức đã nói:

“Học viết chữ là một quá trình dài. Anh phải kiên nhẫn, và phải luôn luôn tỉnh giác [tỉnh giác, state of alertness, là chữ nhà Phật]. Có ba quá trình diễn ra song song: trí óc, tâm hồn và các cơ bàn tay. Anh phải hợp nhất chúng.”

Hãy viết sao cho người ta có thể cảm thấy nét chữ tỏa ra trạng thái tâm hồn bạn, sự nhạy cảm của bạn, những vui buồn giận dữ khoan hòa mà bạn đang trải nghiệm. Viết sao cho bao nhiêu tinh hoa trong bạn phát tiết ra mặt giấy.

Hãy viết. Và đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy một niềm an lạc ấm áp tràn đầy châu thân, như thể bạn vừa nuốt một mảnh sáng của mặt trời. Và mặt giấy, những nét bút cất tiếng hát…

Thủ bút của tác giả. Ảnh: @quocbaobinhyen

Chơi bút cổ

Bút cổ được yêu chuộng vì có lịch sử lâu đời (điều này là tất nhiên). Có thiết kế và công nghệ “cột mốc”, nhiều khi là phát minh thay đổi hoàn toàn bộ mặt công nghệ chế tác bút. Bút cổ còn được các nhà mỹ tự pháp thích nhờ có ngòi vàng mềm, cho nét chữ đẹp, dễ tùy biến nét hơn các loại ngòi cứng sau này. Bút cổ có thân làm bằng nhựa cây thiên nhiên hoặc celluloid mùi rất thơm. Điểm trừ là bút nhỏ, không hợp lắm cho những người viết có bàn tay to; và đòi hỏi bảo dưỡng cẩn thận, nương nhẹ.

Chơi bút xưa, người ta đi thuận chiều từ bút Mỹ cổ điển (Parker 51, Waterman, Wahl Eversharp, Conklin) sang bút Anh (Conway Stewart, Esterbrook) rồi Đức (Pelikan, Faber-Castell, Montblanc), cuối cùng là Ý (Montegrappa, Visconti). Như thế mới có trải nghiệm đúng đắn cả về lịch sử đến các phát minh cách tân của từng hiệu. Chơi như thế mới nắm được các cơ chế bơm mực rất khác nhau: eyedropper, aerometric, lever, button, crescent. Có thế mới thấy hết được các ưu điểm của ngòi vàng flex.

Bút máy thời nay

Bút tân thời thiết kế tân kỳ, thân bút làm bằng nhựa nhân tạo, có khi bọc kim loại, bọc da hoặc đẽo từ gỗ quý. Được ưa thích vì nhìn rất thích mắt, “hoành tráng”, to khỏe. Nhiều hiệu có thiết kế rất ấn tượng, tương lai chủ nghĩa như Caran d’Ache, Graf Von Faber-Castell hay Porsche Design. Điểm trừ là trông máy móc, thiếu hồn vía. Ngòi kim loại cứng viết không ra nét thanh đậm.

Chơi bút mới, như đã nói trên, là được sở hữu những cây bút tân kỳ. Aurora, Delta, Marlen, Montegrappa, Visconti, Stipula của Ý đều thiết kế tuyệt hảo. Cross của Mỹ, Caran d’Ache của Thụy Sĩ, Dunhill của Anh, Pelikan, Graf Von Faber-Castell và Montblanc của Đức, S.T. Dupont của Pháp đẹp cổ kính kiểu Âu châu. Nhật có Namiki Pilot (phổ thông) cùng các hiệu cao cấp như Nakaya, Sailor, Platinum. Những dòng bút này có ưu điểm không đối thủ về ngòi. Các nghệ nhân lành nghề gọi là nibmeisters mài ngòi bằng tay. Tuy vậy, bút không bền, và nhiều khi chính cái thiết kế quá tân kỳ khiến khó cầm khó viết.

Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Nhất là lại chơi một món đồ đầy giá trị lịch sử và tinh thần như bút máy.

 

Bài: Bùi Quốc Bảo
Harper’s Bazaar Việt Nam